Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2020 (AIVN2020)

Đăng vào 02/12/2020

Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2020 (AI4VN 2020) với chủ đề "Trí tuệ nhân tạo ứng phó với đại dịch COVID-19" đã chính thức khai mạc sáng 27/11/2020, tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự ngày hội có: Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy; Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. HCM Vũ Hải Quân; Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM Nguyễn Việt Dũng; Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM Nguyễn Kỳ Phùng; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lê Quốc Cường, cùng hơn 500 chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, startup.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu tại Lễ Khai mạc

Chương trình AI4VN 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP HCM, Báo điện tử VnExpress tổ chức. AI4VN tổ chức thường niên được kỳ vọng trở thành động lực thúc đẩy công nghệ AI tại Việt Nam, thông qua kết nối các thành phần bên trong hệ sinh thái từ viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ, startup đến cộng đồng AI. Mục tiêu nghiên cứu và ứng dụng công nghệ AI hướng tới nhiều lĩnh vực trọng yếu của Việt Nam như y tế, giáo dục, thương mại, tài chính, nông nghiệp...

Phát biểu tại Lễ Khai mạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho rằng AI là tâm điểm trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhưng đây không phải là lĩnh vực mới. Ở Việt Nam, từ 30-40 năm trước đã có nhiều nhà khoa học nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, trước đây, AI được xếp là một ngành khoa học hàn lâm, dành cho những nhà toán học và công nghệ thông tin xuất sắc, thường tách biệt với người dân, chưa có nhiều ứng dụng. Gần đây, với sự hội tụ của nhiều công nghệ như dữ liệu lớn, công nghệ điện toán đám mây, Deep Learning, trí tuệ nhân tạo gần với cuộc sống, tạo ra nhiều thành tựu mới, làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống. Hiện nay, tiếp cận với AI không đơn thuần chỉ là câu chuyện của các nhà nghiên cứu, đặc biệt không đơn thuần của của các nhà toán học, nhà công nghệ thông tin. AI cần được tiếp cận ở góc độ rộng hơn: quản lý nhà nước, chính sách, khuôn khổ pháp luật, nguồn nhân lực, hạ tầng và nguồn tài sản mới ngày nay là dữ liệu.

Tại sự kiện này, Giám đốc phát triển đổi mới sáng tạo, Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan chia sẻ: Phần Lan đang có chương trình AI 4.0 tập trung khía cạnh cốt lõi là các doanh nghiệp, cá nhân, chính phủ, ban ngành khác nhau. AI 4.0 được tổ chức với 4 nhóm: chuyên môn, đổi mới sáng tạo, dữ liệu, chuyển đổi số "Chúng tôi có cơ hội huy động lực lượng nòng cốt giỏi tham gia dự án. Mục tiêu chương trình là nâng cao tính cạnh tranh doanh nghiệp bằng sử dụng AI, với chính sách giúp doanh nghiệp có môi trường sử dụng AI và lấy con người làm trọng tâm". AI được kỳ vọng giúp Phần Lan có dịch vụ công tốt nhất thế giới. "Tham vọng của chúng tôi đưa Phần Lan trở thành nước tiên phong về AI". Ông Petri nói và cho rằng AI Index là công cụ tất cả ngành nghề sử dụng để phân tích khía cạnh khác nhau về AI như chiến lược quản lý, cạnh tranh, dữ liệu, công nghệ...

Đóng góp ý kiến bằng hình thức trực tuyến, Giáo sư Yoshua Benjo, thành viên sáng lập hãng Element AI (Canada), cho rằng việc xây dựng thế mạnh tri thức trong các lĩnh vực, trong đó có AI rất quan trọng với các nước đang phát triển. Bởi trong tương lai phát triển kinh tế luôn gắn liền với phát triển công nghệ. Công nghệ sẽ tạo ra nhiều thay đổi cho nền kinh tế cũng như tạo ra nhiều dịch vụ, sản phẩm mới. Nhân lực AI do đó phải có nền tảng cơ bản về khoa học máy tính và toán tốt.

Theo GS Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học, Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn VinBigdata, dữ liệu là nguồn tài nguyên mới với tiềm năng và trữ lượng không giới hạn. Ai nắm được dữ liệu sẽ có nhiều ứng dụng trong tương lai. Dữ liệu là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến ứng dụng AI trong thực tế. Dữ liệu tốt phải có các tính chất: đủ lớn, được gắn nhãn, có tính đại diện, tiếp cận được, đáng tin cậy, và sạch. Dữ liệu và nguồn nhân lực là hai điều kiện tiên quyết để làm được các sản phẩm "Made in Việt Nam", hoàn toàn dựa vào nguồn dữ liệu Việt và phục vụ cho người Việt. Hai giải pháp đầu tiên dựa trên tiêu chí này là trong lĩnh vực y tế. Nếu thành công, AI còn có thể mở rộng việc lưu giữ các dữ liệu trong nhiều lĩnh vực khác. Chẳng hạn, trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam có thể đăng ký mã vạch cho các giống cây trồng và đăng ký bản quyền.

Tại ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2020, vấn đề đào tạo nhân lực cho ngành AI cũng được tập trung thảo luận, theo đó để đáp ứng được những đòi hỏi về chuyển đổi số, PGS. TS Trần Minh Triết, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đào tạo là một trong những vấn đề cần được tập trung quan tâm, để học sinh, sinh viên có khả năng tiếp cận những vùng tri thức mới, những kiến thức, kỹ năng cần thiết để vận dụng trong cuộc sống. Đặc biệt là quá trình đào tạo cần sự liên kết nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, bởi AI chỉ phát huy được sức mạnh khi có sự kết hợp với những kiến thức chuyên môn các lĩnh vực khác. Thúc đẩy đào tạo để khắc phục một khó khăn hiện nay là lực lượng nghiên cứu AI ở Việt Nam còn rất mỏng. Theo TS Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện VinAI Research, một trong những trở ngại là họ chưa có môi trường để thể hiện và bệ phóng để phát huy, dù tất cả đều trẻ, tài năng, thông minh. Vì vậy, TS Bùi Hải Hưng cho rằng, có bốn vấn đề cần chú trọng nếu muốn phát triển AI: nhân sự vừa chất lượng, vừa đủ số lượng; đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu; đào tạo thế hệ trẻ chuyên về AI để tiếp nối; kết nối giữa nghiên cứu và ứng dụng, tạo ra được sản phẩm.

Các chuyên gia trình bày tham luận tại AI4VN

Các chuyên gia AI lưu ý yêu cầu, điều kiện về đào tạo, đó là nhân lực AI phải có nền tảng cơ bản về khoa học máy tính và toán tốt. Theo đó, lời khuyên cho các sinh viên, dù chưa tốt nghiệp, vẫn nên tham gia các dự án về AI ở các môn học hoặc tự học, để có kinh nghiệm và kiến thức. Đồng thời, sinh viên nên thường xuyên đến thư viện để cập nhật, tiếp cận những tri thức mới.

Liên kết nguồn tin: https://www.vista.gov.vn/news/chien-luoc-chinh-sach-kh-cn-dmst/ngay-hoi-tri-tue-nhan-tao-viet-nam-2020-aivn2020-3133.html


Tin khác

Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Giám đốc...