Thêm đối tác cấp quyền sử dụng phần mềm vi mạch cho TP HCM

Đăng vào 30/05/2023

Công ty Cadence cung cấp lixăng (bản quyền sử dụng) phần mềm thiết kế vi mạch, để Khu công nghệ cao TP HCM phục vụ đào tạo nhân lực.

Thỏa thuận hợp tác giữa hai đơn vị được ký kết sáng 30/5 trước sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND TP HCM và các chuyên gia, nhà khoa học lĩnh vực vi mạch.

Ông Michael Shih, Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh của Cadence, Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản, cho biết, với kinh nghiệm hoạt động hơn 30 năm trong lĩnh vực thiết kế điện tử, chương trình sẽ giúp các sinh viên, giảng viên gia tăng kinh nghiệm thực tiễn trong thiết kế, kiểm định vi mạch. Đồng thời giúp học viên giải quyết những vấn đề kỹ thuật trong thiết kế, quy trình hoàn chỉnh trong sản xuất chip.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng (phải) tham quan Trung tâm đào tạo điện tử quốc tế (IETC) tại Khu công nghệ cao TP HCM, sáng 30/5. Ảnh: Hà An

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng (phải) tham quan Trung tâm đào tạo điện tử quốc tế (IETC) tại Khu công nghệ cao TP HCM, sáng 30/5. Ảnh: Hà An

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý SHTP, cho biết, trong tháng 8 cùng với hoạt động đào tạo, đơn vị sẽ tổ chức hoạt động ươm tạo, hình thành các dự án khởi nghiệp trong thiết kế vi mạch bán dẫn, giúp xây dựng nguồn doanh nghiệp trong nước. Từ doanh nghiệp khởi nguồn, Khu công nghệ cao TP HCM xây dựng cơ chế thu hút các doanh nghiệp phát triển nhà máy vi mạch trong nước.

Tại SHTP có Intel đang đầu tư công đoạn đóng gói chip. SHTP sẽ đưa ra chiến lược củng cố và phát triển hệ sinh thái, thu hút các doanh nghiệp khác đưa máy móc, thiết bị vào đầu tư nhà máy tại Khu công nghệ cao TP HCM phục vụ cho công đoạn đóng gói. "Các chương trình này nhằm mục tiêu năm 2030, Việt Nam sẽ nằm trong top 5 quốc gia trên thế giới phát triển mạnh lĩnh vực vi mạch bán dẫn", ông Thi nói. Việc phát triển nguồn nhân lực vi mạch sẽ đi theo định hướng đặt hàng từ thị trường, phục vụ trước tiên cho nhu cầu trong nước với quy mô 100 triệu dân.

Đánh giá cao mô hình hợp tác hai bên, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng mong muốn việc hợp tác chuyển giao các nội dung về thiết kế vi mạch giữa doanh nghiệp và Khu công nghệ cao TP HCM là bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng đội ngũ nhân lực thiết kế vi mạch ứng dụng trong nhiều ngành nghề tại TP HCM và Việt Nam.

Hoạt động đào tạo nhân lực được SHTP đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Hồi tháng 3, đơn vị này phối hợp với Tập đoàn Sun Electronics khánh thành trung tâm đào tạo điện tử quốc tế (IETC). Trung tâm có nhiệm vụ đào tạo nhân lực trong lĩnh vực vi mạch theo chuẩn quốc tế International Process Control (IPC). IETC sẽ tổ chức các chương trình đào tạo quản lý, vận hành nhà máy sản xuất điện tử, vi mạch. Người học là các kỹ sư làm việc tại doanh nghiệp, cử nhân, doanh nhân, người khởi nghiệp trong lĩnh vực vi mạch...

Trước đó, tháng 8/2022 Synopsys tài trợ 30 lixăng thiết kế vi mạch trong 3 năm giá trị hàng chục triệu USD cho SHTP và đã tổ chức đào tạo, cấp giấy chứng nhận cho 24 giảng viên khóa đầu tiên.

Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/them-doi-tac-cap-quyen-su-dung-phan-mem-vi-mach-cho-tp-hcm-4611389.html


Tin khác

Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Giám đốc...