Nghiên cứu tính kháng thuốc trừ sâu của rầy nâu, rầy lưng trắng và biện pháp quản lý ở Việt Nam

Đăng vào 09/07/2020

Rầy nâu và rầy lưng trắng là hai đối tượng dịch hại nguy hiểm ở vùng Châu Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Sự gây hại của chúng có ảnh hưởng lớn đến năng suất và sự ổn định sản xuất lúa tại vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh duyên hải trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Nông dân đã áp dụng nhiều biện pháp để phòng trừ rầy hại lúa nhưng chủ yếu vẫn là sử dụng biện pháp hóa học do hiệu quả phòng trừ cao, khả năng dập tắt nhanh sự bùng phát dịch trên quy mô lớn. Tuy nhiên, sử dụng thuốc hóa học trong thời gian dài, nồng độ thuốc cao, nhiều chủng loại, cùng với tần xuất phun thuốc 3 - 4 lần/vụ, cá biệt một số nông dân phun 5 - 8 lần/vụ, là một trong những nguyên nhân nhiều loại thuốc không đạt hiệu quả cao như trước do sự hình thành tính kháng của rầy nâu với thuốc.

Vì thế, nhóm nghiên cứu của PGS. TS. Hồ Thị Thu Giang đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu tính kháng thuốc trừ sâu của rầy nâu, rầy lưng trắng và biện pháp quản lý ở Việt Nam” từ năm 2013 đến 2018.

Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu xác định được mức độ kháng thuốc của rầy nâu và rầy lưng trắng đối với thuốc trừ sâu và đề xuất biện pháp sử dụng thuốc trừ sâu hiệu quả trong phòng trừ tổng hợp rầy hại lúa ở các vùng trồng lúa trọng điểm.

Một số kết quả của đề tài:

- Đã đánh giá hiện trạng sử dụng thuốc trừ rầy tại một số huyện thuộc các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Phú Thọ (thuộc miền Bắc), Nghệ An (Miền Trung), An Giang, Tiền Giang và Cần Thơ (miền Nam) ghi nhận nhóm thuốc Neonicotinoid có mức độ sử dụng phòng trừ nhóm rầy hại lúa cao ở các vùng trồng lúa miền Bắc và miền trung trong khi đấy nhóm Pyridine azomethine tỷ lệ số hộ sử dụng cao ở các vùng trồng lúa miền Nam.

- Đã phân tích hiện trạng kháng thuốc của Rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại lúa thu thập ở Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang

- Hoạt chất Sulfoxaflor có thể thay thế hoạt chất đã bị rầy nâu và rầy lưng trắng kháng và có thể sử dụng ở các tỉnh trồng lúa trong cả nước

- Khi áp lực phun 3 lần/vụ thì mức độ gia tăng tính kháng nhanh hơn gấp từ 1.2- 2 lần. Khi phun thuốc với liều lượng sử dụng tăng gấp 1,5- 2 lần so với khuyến cáo thì thì mức độ gia tăng tính kháng nhanh hơn gấp từ 1.5- 3,3 lần. Bón đạm cao >150 kgN/ha sẽ làm gia tăng tính kháng của rầy nâu đối với 3 hoạt chất Fenobucarb, Imidacloprid và Fipronil sau 3 thế hệ. Các thuốc hỗn hợp các hoạt chất có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tính kháng thuốc nhanh hơn so với thuốc dạng đơn hoạt chất

- Đã xây dựng thành công mô hình sử dụng thuốc trừ sâu áp dụng luân phiên 1 trong số các công thức trong quản lý tổng hợp rầy nâu, rầy lưng trắng tại Hưng Yên, Nghệ An và An Giang đạt 100% kế hoạch, hiệu quả phòng trừ >85% và đã làm chậm tốc độ hình thành tính chống thuốc của rầy nâu, rầy lưng trắng. Hiệu quả kinh tế tăng ở mô hình tại tỉnh Hưng Yên từ 15,37- 17,16%. Tại Nghệ An tăng 18,36-18,42% và từ 15,23-18,84% tại An Giang.

- Đã hoàn thành đưa ra tiến bộ kỹ thuật “Quy trình quản lý tính kháng thuốc bảo vệ thực vật của rầy nâu Nilaparvata lugens (Stal), rầy lưng trắng Sogatella furcifera (Horvath) hại lúa (Ban hành kèm theo Quyết định số 1757/QĐ-BVTV của Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật ngày 28/6/2018), mã hiệu (TBKT 01- 88: 2018/BNNPTNT

Liên kết nguồn tin: http://www.vista.gov.vn/news/ket-qua-nghien-cuu-trien-khai/nghien-cuu-tinh-khang-thuoc-tru-sau-cua-ray-nau-ray-lung-trang-va-bien-phap-quan-ly-o-viet-nam-2703.html


Tin khác

Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Giám đốc...