Đơn vị hàng đầu về sáng chế của Việt Nam

Đăng vào 02/07/2020

Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta.

Trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đòi hỏi phải đẩy nhanh hơn nữa lộ trình hiện đại hóa, nhất là đối với các lực lượng được xác định tiến thẳng lên hiện đại, như: Hải quân, Phòng không-Không quân, Tác chiến điện tử, Thông tin liên lạc.. càng đặt ra cấp thiết. Nghị quyết 06-NQ/TW, ngày 16-7-2011 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo” đã mở đường để Viettel tiến sâu vào lĩnh vực đầy thử thách này. Cùng với sự kỳ vọng của Quân ủy Trung ương, Viettel tự xác định hướng đi khó: Làm chủ công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, công nghệ lõi mang tầm thế giới để tập trung vào nghiên cứu, sản xuất các trang thiết bị góp phần hiện đại hóa cho 4 lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. 

Đơn vị hàng đầu về sáng chế của Việt Nam
Một sản phẩm công nghệ cao được các kỹ sư của VHT nghiên cứu, phát triển. Ảnh: TRẦN THỌ

Quán triệt, thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương về xây dựng Viettel trở thành tập đoàn công nghiệp công nghệ cao và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận doanh nghiệp quốc phòng, an ninh; các cấp ủy, tổ chức đảng trong Viettel đã có nhiều giải pháp đồng bộ, tập trung vào những dự án trọng điểm về phát triển công nghiệp quốc phòng, trong đó có những dự án đặc biệt quan trọng. Với quyết tâm, nỗ lực cao và bước đi đúng đắn, thận trọng, Viettel đã đạt được những thành tựu, làm chủ được nhiều công nghệ lõi giúp tập đoàn tự tin hoàn thành đúng tiến độ, góp phần nâng cao tiềm lực, sức mạnh quốc phòng của đất nước; hiện thực hóa chủ trương xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng, trong đó Viettel là hạt nhân để thúc đẩy trong toàn quân. Từng bước hình thành nền móng công nghiệp công nghệ cao với hai mũi nhọn là công nghiệp quốc phòng công nghệ cao và công nghiệp điện tử viễn thông với việc nghiên cứu và làm chủ hơn 40 dòng sản phẩm thuộc 10 ngành vũ khí, trang bị với tính năng kỹ chiến thuật vượt trội, được sản xuất và trang bị cho các đơn vị, phù hợp với khả năng tác chiến của quân đội. Từ các hệ thống tự động hóa chỉ huy, đến hệ thống tác chiến điện tử, thiết bị quang điện tử thế hệ 3+, cho đến nhiều chủng loại máy thông tin, ra-đa và các hệ thống mô phỏng cấp chiến thuật, chiến dịch chiến lược, đã được nghiên cứu sản xuất thành công.

Sau 5 năm chính thức tiến sâu vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, Viettel đã thực sự khẳng định được rằng mình hoàn toàn có thể đáp ứng những đòi hỏi, kỳ vọng của nhiệm vụ hiện đại hóa quân đội. Làm chủ hoàn toàn công nghệ lõi, ứng dụng thành công trí tuệ nhân tạo để kiến tạo nên những sản phẩm vũ khí, trang bị tiên tiến, tương đương, thậm chí vượt trội so với thế giới, từng bước hiện thực hóa tham vọng “hệ sinh thái” hóa các sản phẩm quân sự.

Đến nay, Viettel đã xây dựng 3 cơ sở nghiên cứu, thử nghiệm thiết bị quân sự và dân sự, 3 cơ sở sản xuất, tích hợp sản phẩm. Cùng với đó, tăng cường trao đổi, hợp tác với hơn 140 đối tác từ 33 quốc gia để tiếp cận các công nghệ tiên tiến, xây dựng mạng lưới chuyên gia, đối tác, tìm nguồn nhân lực chất lượng cao. Qua đó, rút ngắn thời gian nghiên cứu, làm chủ công nghệ; chế tạo sản xuất các sản phẩm với chất lượng, giá cả cạnh tranh.

Tính đến nay, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) đã nghiên cứu phát triển thành công 4 loại ra-đa, 6 loại máy thông tin cấp chiến thuật, chiến dịch, chiến lược, 3 loại thiết bị quang điện tử, 3 hệ thống tự động hóa chỉ huy, 4 hệ thống mô phỏng huấn luyện quân sự và các hệ thống trinh sát điện tử tương đương, có nhiều tính năng vượt trội hơn với sản phẩm cùng loại của các quốc gia có nền khoa học quân sự tiên tiến trên thế giới.

Trong lĩnh vực dân sự, VHT đã nghiên cứu sản xuất và đưa vào trang bị 11 sản phẩm thuộc 5 dòng sản phẩm cho mạng Viettel, gồm đầy đủ các lớp mạng viễn thông như: Hệ thống hỗ trợ kinh doanh, mạng lõi di động, mạng truyền dẫn, mạng truy cập vô tuyến, mạng cố định băng rộng, thiết bị thông minh. Tiêu biểu là các sản phẩm như hệ thống tính cước thời gian thực (VOCS) cung cấp dịch vụ tại 11 thị trường Viettel đầu tư và đã triển khai cho một nhà mạng ngoài Viettel. VHT đã đăng ký thành công 122 sáng chế trong nước và 17 sáng chế quốc tế.

Trong giai đoạn 2021-2025, các mục tiêu được VHT đặt ra là: Vào top 1 Đông Nam Á về cung cấp thiết bị quân sự trong lĩnh vực thông tin liên lạc và mô phỏng huấn luyện; top 5 thế giới về nhà cung cấp thiết bị hạ tầng mạng lưới viễn thông và IoT và top 10 thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển chip viễn thông và Smart IoT.

Liên kết nguồn tin: https://www.qdnd.vn/khoa-hoc-cong-nghe/trong-nuoc/don-vi-hang-dau-ve-sang-che-cua-viet-nam-624856


Tin khác

Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Giám đốc...