Niềm tin: yếu tố cần có để phát triển thương mại điện tử

Đăng vào 06/12/2019

Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để phát triển thương mại điện tử (TMĐT) khi có tới 64 triệu người dùng internet (chiếm 66% dân số), 62 triệu người dùng mạng xã hội (64% dân số), số thuê bao di động đạt 143 triệu trong đó 72% dân số sử dụng smartphone.

Diễn đàn diễn ra với nhiều phiên thảo luận hấp dẫn.
 

Sáng ngày 4/12, Diễn đàn kết nối nguồn lực phát triển khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực thương mại điện tử và logistics, nằm trong chương trình Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest 2019) đã diễn ra tại thành phố Hạ Long.

Mua sắm trực tuyến đang bùng nổ tại Việt Nam

Với dân số là 96,96 triệu người, trong đó có tới 64 triệu người sử dụng Internet, với 72% trong số đó sử dụng smartphone - đây chính là cơ hội để thương mại điện tử của Việt Nam có cơ hội phát triển, thậm chí bùng nổ. Vậy nhưng thực tế, đến nay doanh thu từ TMĐT của Việt Nam mới chiếm hơn 4,2% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên cả nước. Nhiều sàn TMĐT vẫn đang đốt tiền, chịu lỗ để có được người dùng, lượt truy cập và người bán hàng bằng các hình thức trợ giá sản phẩm, miễn phí vận chuyển.Riêng trong năm 2019, không ít công ty chịu lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng để duy trì hoạt động chờ thời cơ.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương cho biết, trong các giao dịch TMĐT năm 2018, 88% các giao dịch thanh toán theo hình thức COD (thu hộ, khách hàng trả tiền mặt khi nhận hàng), việc thanh toán điện tử vẫn còn thấp. Lý do là khách hàng e ngại chất lượng sản phẩm không giống quảng cáo hay thông tin cá nhân bị tiết lộ...Lý giải về nguyên nhân này, nhiều người cho rằng, mối lo của việc mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng; sợ thông tin cá nhân bị tiết lộ; không yên tâm về hậu mãi… là những nguyên nhân chính khiến thương mại điện tử Việt Nam chưa phát triển mạnh.“Niềm tin” vẫn là yếu tố xa xỉ đối với hoạt động mua bán trực tuyến cho đến thời điểm này.

Ra ngoài gọi xe bằng ứng dụng Grab, GoViet, đặt phòng khách sạn qua Agoda, Booking; mua sắm đồ tiêu dùng trực tuyến trên Website của BigC, Aeon; đặt đồ ăn, trà sữa thông qua Grabfood…. mua sắm trực tuyến đã và đang ngày càng phổ biến với nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là người dân ở các thành phố lớn.

Niềm tin: yếu tố cần có để phát triển thương mại điện tử
 

Ông Trương Quang Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty dịch vụ số Viettel trình bày một số giải pháp đột phá của Viettel.
 

Cũng về câu chuyện niềm tin, ông Henry Low, CEO TikiNow Smart Logistics cho biết: Năm 2019, Tiki tăng trưởng khách hàng gấp 2,4 lần so với năm 2018, kéo theo tăng trưởng doanh thu tăng gấp 2,5 lần. Nhưng thành công lớn nhất của đơn vị vận chuyển như Tiki, đó là số lượng hàng trả về/tổng số đơn hàng năm 2019 chỉ là 1%. “Kết quả này phản ánh niềm tin của khách hàng dành sản phẩm và hoạt động giao hàng của Tiki là rất lớn” - ông Henry Low tự tin khẳng định.
 

Ông James Dong – CEO Lazada Việt Nam phát biểu, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh TMĐT của Lazada.
 

Các đại biểu tại hội thảo cũng thừa nhận sự tin tưởng chính là yếu tố quan trọng để khách hàng quyết định mua hàng trực tuyến hay không? Đồng thời đưa ra nhiều giải pháp, đề xuất hướng đến mục tiêu mang lại niềm tin của khách hàng với TMĐT. Trong đó, Viettel có hình thức thanh toán tạm giữ, tới đây là thí điểm Mobile monney; Lazada tăng cường lượng kho bãi để có thể giao hàng trong ngày hoặc sang ngày hôm sau; Chungxe chuẩn bị áp dụng công nghệ blockchain (Smart contract) để quản lý hợp đồng, xuất xứ xe…

Đáng ghi nhận là với khát vọng xây dựng các giải pháp sáng tạo phục vụ hàng triệu các doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ, kết nối với nguồn lao động và thị trường người tiêu dùng gần 100 triệu dân, rất nhiều các starup đã khởi nghiệp các công ty, dịch vụ ứng dụng TMĐT trong hầu hết các ngành nghề như: Vận tải (FastGo), lưu trú (Luxstay), Y tế (eDoctor), Logistics (Ahamove, Logivan, HeyU), tài chính tiêu dùng (Lendmo), sức khoẻ (WeFit)…

Hi vọng, với cách làm của những người trẻ sáng tạo, tâm huyết với cộng đồng, niềm tin với các giao dịch thông qua TMĐT của người tiêu dùng sẽ được nhân lên; góp phần thay đổi nhận thức của xã hội đối với lĩnh vực kinh tế TMĐT; tạo thêm nhiều công ăn việc làm mới cho xã hội; gia tăng tính cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài; giữ thị phần trên sân nhà cho doanh nghiệp Việt.

Bàn về vấn đề niềm tin của người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ COD, nhiều đại biểu cho rằng những người phát triển TMĐT cần nỗ lực nhiều hơn nhằm củng cố niềm tin khách hàng, thông qua những công cụ như chat. Qua đó, người mua tìm hiểu rõ hơn, dễ dàng hơn về sản phẩm, người bán có cơ hội tư vấn, thuyết phục khách hàng.Thậm chí các công nghệ như livestream giúp 2 bên tương tác.

Mặc dù các giao dịch theo hình thức COD chiếm tỷ trọng lớn, đại diện Bộ Công thương, ông Nguyễn Thế Quang cũng khẳng định việc thanh toán qua thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ ngày càng tăng. Tỷ lệ tăng cao nhất là ví điện tử. Đây là lĩnh vực các startup có thể khai thác.

Liên kết nguồn tin: https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/17183/niem-tin--yeu-to-can-co-de-phat-trien-thuong-mai-dien-tu.aspx


Tin khác

Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Giám đốc...