Điều kiện để nhiều doanh nghiệp giải mã công nghệ

Đăng vào 24/03/2023

Doanh nghiệp khi đầu tư tìm quy trình, bí quyết công nghệ việc đầu tiên cần am hiểu nhu cầu thị trường, nhà nước hỗ trợ chính sách và đặt hàng, kết nối để thúc đẩy sản phẩm công nghệ cao.

Là doanh nghiệp, cũng là Phó chủ tịch Hội Cơ khí điện TP HCM (Hamee), ông Kiều Huỳnh Sơn chia sẻ kinh nghiệm 20 năm trước. Khi đó tham gia các triển lãm quốc tế, ông nhận thấy lĩnh vực cơ khí chế tạo máy trong khu vực châu Á có Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ... phát triển mạnh. Nhìn thấy tiềm năng, cùng với kinh nghiệm từng làm việc tại một viện nghiên cứu về cơ học, ông Sơn nghĩ "mình còn cơ hội trong ngành này".

Doanh nghiệp ông sau đó đầu tư, giải mã công nghệ, sản xuất các dây chuyền đáp ứng nhu cầu trong nước. Sản phẩm đầu tay là máy cán xà gồ dùng trong ngành xây dựng. Máy sản xuất trong nước có giá bằng 50% sản phẩm nhập từ Đài Loan (100.000 USD). Sau đó ông còn xuất khẩu máy sang Ấn Độ, Australia, Mỹ...

Máy cán xà gồ của doanh nghiệp ông Kiều Huỳnh Sơn xuất khẩu sang Ấn Độ. Ảnh: NVCC

Máy cán xà gồ của doanh nghiệp ông Kiều Huỳnh Sơn xuất khẩu sang Ấn Độ. Ảnh: NVCC

Theo ông Sơn, giải mã công nghệ là xu thế chung của các nước đang phát triển và là con đường ngắn nhất tiệm cận với công nghệ trình độ cao hơn. Để làm được, doanh nghiệp cần xây dựng chữ tín, tức là phải có sản phẩm chất lượng, không phát sinh lỗi trong quá trình sử dụng. Khi đó các chủ đầu tư mới tin tưởng đặt hàng thay vì mua cả dây chuyền nước ngoài, hoặc họ chỉ nhập khẩu một phần dây chuyền, còn lại thuê kỹ sư Việt làm để giảm chi phí.

Tại Việt Nam hiện chưa có chính sách riêng hỗ trợ cho việc giải mã công nghệ mà được lồng ghép trong các chương trình về chuyển giao, đổi mới công nghệ, quỹ hỗ trợ vốn vay ưu đãi, thuế phí, đào tạo...

Hồi tháng 2, Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt Quyết định 168 về tìm kiếm và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài đến năm 2030 nằm trong Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia giai đoạn đến năm 2030.

Theo quyết định này, Bộ Khoa học và Công nghệ đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt công nghệ trong các ngành ưu tiên. Ngành khoa học công nghệ sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực giải mã công nghệ cho doanh nghiệp, tổ chức, thúc đẩy phát triển nhân lực, hỗ trợ tìm kiếm, xây dựng cơ sở dữ liệu nhu cầu công nghệ trong nước, nguồn cung công nghệ, chuyên gia nước ngoài... Thúc đẩy hoạt động kết nối giữa các địa phương trong nước với địa phương nước ngoài thông qua hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ.

Cũng trong quyết định này, Bộ Khoa học và Công nghệ đặt chỉ tiêu ít nhất 100 công nghệ của nước ngoài được tìm kiếm và chuyển giao cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, có ít nhất 30 công nghệ được giải mã, làm chủ và tạo ra ít nhất 5 sản phẩm chủ lực có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Về phát triển nhân lực, có hơn 5.000 người tại các tổ chức, doanh nghiệp được đào tạo kỹ năng tìm kiếm, chuyển giao, giải mã công nghệ...

Cục trưởng Cục ứng dụng và phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm công nghệ của nước ngoài, kết nối chuyên gia tư vấn lựa chọn công nghệ phù hợp theo khả năng tài chính, xây dựng các hồ sơ công nghệ có sẵn, đáp ứng nhu cầu trong nước.

Doanh nghiệp thuộc Hamee tham gia triển lãm về máy công nghiệp năm 2019 tại quận 7. Ảnh: Hamee

Doanh nghiệp thuộc Hamee tham gia triển lãm về máy công nghiệp năm 2019 tại quận 7. Ảnh: Hamee

Ông Chu Bá Long, Phó chủ tịch CLB các doanh nghiệp khoa học công nghệ TP HCM kiến nghị, các chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ của nhà nước cần giảm bớt các thủ tục hành chính để sự hỗ trợ kịp thời, giúp doanh nghiệp ra sản phẩm đúng thời điểm thị trường cần, tăng khả năng cạnh tranh. Liên kết 3 bên (nhà nước, trường viện, doanh nghiệp) cần mạnh mẽ hơn để tạo ra năng lực giải mã những công nghệ có hàm lượng tri thức cao.

Ở khía cạnh pháp lý, ông Long cho rằng việc giải mã công nghệ cần tuân thủ theo các luật về sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp có thể giải mã những sản phẩm chủ sở hữu không đăng ký bảo hộ ở quốc gia hoặc khu vực chủ sở hữu không đăng ký bảo hộ. Các sản phẩm từ giải mã công nghệ không được bán ở những quốc gia đã đăng ký bảo hộ sản phẩm đó.

Ông Kiều Huỳnh Sơn gợi ý, doanh nghiệp cần mạnh dạn giải mã các công nghệ có giá trị gia tăng cao, cho ra sản phẩm tốt hơn thị trường đang có. Ông đề xuất nhà nước cần có các chương trình tài trợ mua bản quyền các thiết bị nước ngoài sau đó giải mã. "Cơ quan chức năng cần có hội đồng khoa học với vai trò định hướng, đặt hàng doanh nghiệp giải mã công nghệ" ông Sơn nói. Nhà nước có thể đặt mua các máy móc công nghệ cao theo đặt hàng của các bộ ngành. Sau đó các viện trường, doanh nghiệp tham gia giải mã tạo các sản phẩm mang tính đột phá hơn, với chi phí thấp hơn.

Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/dieu-kien-de-nhieu-doanh-nghiep-giai-ma-cong-nghe-4583527.html


Tin khác

Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Giám đốc...