Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030: Cần xây dựng nền công nghiệp tự chủ

Đăng vào 03/08/2022

Mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Vì sao công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa như kỳ vọng?

Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã từng bước mở cửa và trở thành một trong những nền kinh tế hội nhập nhất thế giới. Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới quan trọng như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và gần đây nhất là RCEP. Công nghiệp Việt Nam, nhất là lĩnh vực chế biến, chế tạo đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm 2020 và đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Tuy nhiên ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước còn kém phát triển, sản xuất trong nước phụ thuộc phần lớn vào linh kiện, phụ tùng, nguyên phụ liệu nhập khẩu. Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu chủ yếu ở khâu lắp ráp, giá trị gia tăng thấp.

Tại hội thảo Khoa học Quốc gia "Chủ trương và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Thành ủy TP.Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh tổ chức sáng 28/7, TS. Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đánh giá: Quá trình công nghiệp hóa, đất nước trong thời gian vừa qua còn chậm; nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt được.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030: Cần xây dựng nền công nghiệp tự chủ
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội thảo

Đại hội lần thứ XII của Đảng đã nhận định: "Nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được" và "việc tạo nền tảng để cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được mục tiêu đề ra".

"Chúng ta đã có mục tiêu phát triển ngành công nghiệp dệt may, khởi nguồn từ nhà máy dệt Nam Định. Chúng ta đã có mục tiêu phát triển ngành công nghiệp luyện kim, gắn với khu gang thép Thái Nguyên. Chúng ta đã có mục tiêu phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, ngành công nghiệp mía đường, ngành công nghiệp chế biến, ngành công nghệ hóa dầu, ngành công nghiệp phần mềm; đã có mục tiêu hình thành một số tập đoàn công nghệ tầm khu vực và quốc tế, mang thương hiệu Việt Nam… Nhưng những kết quả đạt được đến thời điểm này vẫn còn hạn chế”, TS. Vũ Hải Quân cho biết.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá, thành quả của công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chưa được phân bổ đồng đều giữa các nhóm người và các khu vực.

Theo ông Thắng, trong nhiều năm qua, quá trình công nghiệp hóa vẫn dựa vào khai thác tài nguyên, các ngành sử dụng nhiều vốn và lao động không có kỹ năng. Phần lớn sản xuất công nghiệp là hoạt động gia công lắp ráp, sử dụng phần lớn máy móc, thiết bị và nguyên liệu nhập khẩu. Nhiều hệ luỵ, tác động tiêu cực về môi trường đã diễn ra; quy mô và năng lực công nghiệp quốc gia trên thực tế vẫn còn nhỏ và yếu. Nếu tiếp tục duy trì hiện trạng này, Việt Nam sẽ không tránh khỏi nguy cơ rơi vào bẫy gia công lắp ráp và vướng vào những nấc thang thấp của chuỗi giá trị toàn cầu.

Mặt khác, vị chuyên gia này cho rằng, quan điểm và định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam tuy đã trải qua nhiều thời kỳ phát triển song vẫn đang tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện. Các nghị quyết, chính sách bao hàm nhiều nội dung nhưng thiếu giải pháp khả thi và cụ thể, nhất là trong cân đối, phân bổ các nguồn lực, khiến cho đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.

Chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn triển khai chậm. Việt Nam vẫn chưa có được khu công nghiệp, vùng công nghiệp nào thật sự có sức lan tỏa cả nước, ngược lại, tính phân tán, cục bộ theo cấp hành chính có xu hướng tăng lên.

Cần tiên phong phát triển một số ngành công nghiệp mới

Theo các chuyên gia, trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam cần thích ứng với bối cảnh trong nước và quốc tế đang thay đổi nhanh chóng. Bối cảnh mới cũng đặt Việt Nam đứng trước sự lựa chọn chiến lược hoặc đi tiên phong phát triển một số ngành công nghiệp mới, dựa trên lợi thế quốc gia nếu như không muốn chỉ dừng lại ở mục tiêu trở thành “công xưởng thế giới”.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030: Cần xây dựng nền công nghiệp tự chủ
Mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

 

TS. Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Bộ Công Thương đề xuất: Trong giai đoạn đến năm 2030, Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh CIP. Để làm được điều này, cần chú trọng thu hút đầu tư, phát triển sản xuất trong các lĩnh vực chế biến chế tạo, đặc biệt là các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, nâng cao tính tự chủ của nền công nghiệp thông qua việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, cần khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ; liên tục cải thiện các cơ chế, chính sách, cải tiến các thủ tục đầu tư ngày càng thông thoáng nhằm khuyến khích các nhà đầu tư, đồng thời có chính sách ưu tiên, khuyến khích thu hút các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ áp dụng công nghệ hiện đại…

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030: Cần xây dựng nền công nghiệp tự chủ
Toàn cảnh hội thảo Khoa học Quốc gia "Chủ trương và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"

 

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Trần Tuấn Anh - Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, các xu thế mới và biến động của thế giới đặt ra vấn đề cần phải thay đổi căn bản tư duy về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Qua các ý kiến, ông Trần Tuấn Anh cho rằng các đại biểu thống nhất mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Trong đó, con người vào vị trí trung tâm, xác định rõ nhân dân là đối tượng phục vụ, thụ hưởng.

“Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò là nền tảng, động lực quan trọng hàng đầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao là những những nhân tố đột phá chiến lược trong thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới. Đây được coi là chìa khóa để Việt Nam nắm bắt các cơ hội và vượt qua các thách thức thời đại, đồng thời tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có sự bứt phá, vượt lên trong một số ngành và lĩnh vực”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Cùng với đó, việc thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Việt Nam phải đặt trong bối cảnh mới, trong chuỗi sản xuất, kinh doanh toàn cầu đã thay đổi; cùng với đó, yêu cầu về nâng cao năng lực cạnh tranh ngày càng cao

“Phải chuyển đổi tư duy phát triển, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài sang chủ động phát triển nội lực, đẩy mạnh sáng tạo, vươn lên làm chủ công nghệ”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Theo ông Trần Tuấn Anh, hướng tiếp cận công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới phải chú trọng nâng cao nội lực của nền kinh tế, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu cao; tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu thông qua đẩy mạnh học tập, cải tiến, làm chủ về công nghệ nhất là các công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ số, công nghệ vật liệu cơ bản; chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên phát triển lực lượng doanh nghiệp công nghiệp trong nước lớn mạnh, đổi mới thu hút FDI theo hướng có chọn lọc, chất lượng cao và bảo đảm yêu cầu về liên kết với doanh nghiệp trong nước; đặc biệt chú trọng khai thác có hiệu quả thị trường trong nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh kinh tế và giải quyết tốt các vấn đề phát sinh về xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bên cạnh việc tiếp tục kiên trì các giải pháp duy trì, phát triển những động lực tăng trưởng hiện có về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và tạo động lực tăng trưởng mới như phát triển vùng, liên vùng, đô thị, kinh tế biển, nhất là thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu… cần đặc biệt chú trọng đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy tự động hóa, số hóa và thông minh hóa các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội thông qua ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ số và các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ngoài ra Việt Nam cần ưu tiên phát triển doanh nghiệp công nghiệp trong nước lớn mạnh, đổi mới thu hút FDI theo hướng có chọn lọc, chất lượng cao và bảo đảm yêu cầu về liên kết với doanh nghiệp trong nước.

Cuối cùng, phát huy tối đa nguồn lực con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, các ngành công nghiệp mới có tính chiến lược theo từng giai đoạn.

Liên kết nguồn tin: https://congthuong.vn/cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-den-nam-2030-can-xay-dung-nen-cong-nghiep-tu-chu-215679.html


Tin khác

Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Giám đốc...