Để khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thực sự là “chìa khóa thành công” của quốc gia

Đăng vào 04/02/2021

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra mục tiêu phát triển đất nước:“Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Để thực hiện mục tiêu, khát vọng trên, chúng ta phải dựa vào tri thức, khoa học công nghệ (KHCN), đặc biệt là đổi mới sáng tạo (ĐMST). Đây là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng. Chính công nghệ mới cùng với nguồn nhân lực phù hợp là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để chúng ta đột phá trong phát triển, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Bài 1: Khoa học và công nghệ: Động lực then chốt trong tăng trưởng kinh tế-xã hội

Năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn nhưng nước ta đã hoàn thành “mục tiêu kép”: Vừa quyết liệt phòng, chống dịch (PCD), vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), bảo đảm đời sống nhân dân. Trong thành công chung đó, có sự đóng góp không nhỏ của ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) thông qua việc tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Chính phủ chỉ đạo để phát huy tiềm năng của các ngành, lĩnh vực, tạo động lực phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Hoàn thành “mục tiêu kép” nhờ khoa học và công nghệ

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt: Nhờ ứng dụng KH&CN, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 đạt 2,91%, là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Năng suất lao động được nâng cao rõ rệt, bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (4,3%/năm), vượt mục tiêu đề ra 5%/năm. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30-35%). Tăng trưởng kinh tế giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, từng bước dựa vào ứng dụng KH&CN và ĐMST, mô hình tăng trưởng được đổi mới, hoàn thiện phù hợp với thời đại. Bên cạnh đó, chỉ số ĐMST của Việt Nam hai năm liên tiếp (2019 và 2020) ở vị trí thứ 42 trên thế giới (năm 2016 đứng thứ 59). Lần đầu tiên, Việt Nam được cử làm Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) nhiệm kỳ 2018-2019.

Để khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thực sự là “chìa khóa thành công” của quốc gia
Hệ thống dây chuyền công nghệ cao tại Nhà máy sản xuất ô tô của Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh VinFast, Tập đoàn Vingroup. Ảnh: QUANG DUY 

Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam phải gồng mình chống lại đại dịch Covid-19 nhưng ngành y tế vẫn đạt những kết quả đáng khích lệ trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân; hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao năm 2020 và giai đoạn 2016-2020. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: "Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn quân và toàn dân, ngành y tế đã triển khai kịp thời và hiệu quả các biện pháp PCD, được nhân dân và xã hội ghi nhận, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Công tác y tế đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép”.

Ngay từ khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở nước ta vào tháng 1-2020, Bộ KH&CN đã vào cuộc với tinh thần chủ động, kịp thời, trách nhiệm và có những đóng góp hiệu quả vào việc PCD Covid-19. Chỉ trong thời gian rất ngắn, với tinh thần quyết liệt, làm việc không kể ngày đêm của các nhà khoa học, nhiều kết quả KH&CN đã trực tiếp góp phần vào thành công của công tác PCD Covid-19 ở nước ta, như: Chế tạo bộ kit phát hiện virus SARS-CoV-2, xây dựng phác đồ điều trị, sản xuất kháng thể đơn dòng, robot và máy thở phục vụ tình huống, ứng phó với các cấp độ dịch bùng phát, sản xuất vaccine ngừa Covid-19... Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y chia sẻ: "Chỉ sau 6 tháng được Bộ KH&CN giao chủ trì đề tài nghiên cứu sản xuất vaccine ngừa Covid-19, với sự cố gắng rất lớn của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen, sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan quản lý, các viện nghiên cứu, nhà khoa học, trường đại học, đến nay, sản phẩm vaccine đầu tiên Nanocovax ngừa Covid-19 đã được phép thử lâm sàng giai đoạn 1 trên người (bình thường để sản xuất một loại vaccine cần từ 10 đến 15 năm). Đáng nói, vaccine của Việt Nam là một trong 50 vaccine trên thế giới được phép thử lâm sàng trên người. Điều này đánh dấu một bước phát triển mạnh mẽ về công nghệ sản xuất vaccine của Việt Nam. Hiện nay, việc thử nghiệm vaccine đang được tiến hành theo quy trình nghiêm ngặt tại Học viện Quân y. Nếu thuận lợi, cuối năm 2021 vaccine này có thể được sử dụng để phòng Covid-19".

Đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp

Một lĩnh vực khác cũng cho thấy vai trò quan trọng của KH&CN đó là nông nghiệp. Năm 2020, ngành nông nghiệp phải đối mặt với những thách thức chưa từng có từ đại dịch Covid-19 đến thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm cấp độ khu vực và toàn cầu có nguy cơ bùng nổ, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp (SXNN) mà đáng kể nhất là dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Đảng, Chính phủ trong ứng dụng các thành tựu KH&CN vào SXNN, năm 2020 ngành nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá cao, hoàn thành và vượt kế hoạch 4/5 chỉ tiêu; đặc biệt xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kết quả ngoạn mục trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: "Năm 2020, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp đạt 2,65%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,25 tỷ USD; trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; thu nhập của người dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người/năm. Trong thành công chung của ngành nông nghiệp, KH&CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong SXNN, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Các Chương trình sản phẩm quốc gia, Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen... được triển khai hiệu quả, góp phần duy trì xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực trong đại dịch Covid-19".

Để khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thực sự là “chìa khóa thành công” của quốc gia
Các nhà khoa học của Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu chế tạo bộ KIT phát hiện virus SARS-COV-2. Ảnh do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cung cấp 

Có thể thấy, KH&CN ngày càng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực, trở thành động lực then chốt trong tăng trưởng KT-XH. Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, năm 2021-năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển KT-XH đất nước đến năm 2030, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN theo hướng chú trọng hiệu quả và tác động của nhiệm vụ KH&CN trong giải quyết các bài toán thực tiễn phát triển KT-XH của đất nước. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, tổ chức triển khai thực hiện thật tốt ngay từ đầu năm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ để đưa KH&CN trở thành động lực thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh và bền vững hơn nữa. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN, ĐMST, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.

Liên kết nguồn tin: https://www.qdnd.vn/khoa-hoc-cong-nghe/trong-nuoc/de-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-thuc-su-la-chia-khoa-thanh-cong-cua-quoc-gia-651010


Tin khác

Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Giám đốc...