Hợp tác ba bên tìm kiếm tài năng về AI

Đăng vào 28/01/2021

Thông qua chương trình đào tạo, cuộc thi… doanh nghiệp sẽ tìm kiếm các tài năng về AI trong trường đại học, hỗ trợ tham gia các dự án thực tế.

Nội dung này nằm trong chương trình hợp tác giữa Cục Công tác phía Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) với Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM) và công ty Advantech, sáng 28/1. Chương trình hợp tác diễn ra trong 5 năm, chia làm ba giai đoạn.

Các sinh viên có thể các khóa đào tạo của doanh nghiệp miễn phí (không giới hạn số lượng) từ cơ bản đến nâng cao về trí tuệ nhân tạo, IoT bằng công nghệ do doanh nghiệp cung cấp, ở giai đoạn 1. Cụ thể, sinh viên sẽ tiếp cận với WISE PaaS, một nền tảng mở, tích hợp nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ IoT cho công nghiệp thông minh, thành phố thông minh.

Giai đoạn 2, khi sinh viên hoàn thành khóa đào tạo và được cấp chứng chỉ, họ sẽ được tham gia các dự án với vai trò là nhà phát triển giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Sau quá trình sàng lọc, hàng năm doanh nghiệp sẽ chọn ra những cá nhân xuất sắc tham gia cuộc thi ở giai đoạn 3 nhằm tìm kiếm giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo, IoT quy mô toàn cầu. Sinh viên sẽ trực tiếp phát triển các dự án đã thi trước đó, nhận được cố vấn từ chuyên gia nước ngoài, các nguồn lực khác do doanh nghiệp tài trợ.

Ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Khoa học Công nghệ phát biểu tại lễ ký kết, sáng 28/1. Ảnh: Hà An.

Ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Khoa học Công nghệ phát biểu tại lễ ký kết, sáng 28/1. Ảnh: Hà An.

Là đơn vị kết nối giữa đại học và doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong 5 năm gần đây lĩnh vực AI, IoT, Big Data được giới công nghệ chia sẻ rất nhiều ở các sự kiện, diễn đàn.

Tuy nhiên, ông Đà cho rằng, để những công nghệ này phát huy hiệu quả cần chuyển đổi số để có dữ liệu. Theo khảo sát, đến năm 2022 các quốc gia trên thế giới đầu tư 2.100 tỷ USD vào chuyển đổi số, nhu cầu thị trường thế giới năm 2025 khoảng 100.000 tỷ USD cho lĩnh vực này. Do đó cơ hội cho các giải pháp công nghệ ứng dụng chuyển đổi số là rất lớn.

"Tôi tin tưởng với nguồn lực của hai bên, chúng ta sẽ có những kết quả hứa hẹn trong giai đoạn hợp tác sắp tới", ông Đà nói và cho biết sẽ nhân rộng mô hình hợp tác ba bên để có thêm nhiều doanh nghiệp, trường đại học tham gia.

Phía doanh nghiệp, ông Đỗ Đức Hậu, Tổng giám đốc Advantech cho biết, dự án với mục tiêu lan tỏa đến 50 trường đại học khắp thế giới, tìm kiếm khoảng 100 nhân tài lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và IoT, thực hiện những dự án tầm cỡ về công nghệ này. Năm 2019, dự án đã thực hiện tại Đại học Bách khoa Hà Nội, tìm kiếm được nhóm 8 sinh viên xuất sắc và chọn 2 bạn tham gia cùng doanh nghiệp làm các giải pháp ứng dụng thực tiễn.

"Đại học Khoa học Tự nhiên là trường đầu tiên ở TP HCM và thứ 2 tại Việt Nam tham gia dự án. Chúng tôi hy vọng sẽ tìm được những tài năng có đam mê công nghệ để thực hiện dự án lớn hơn", ông Hậu nói.

Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/hop-tac-ba-ben-tim-kiem-tai-nang-ve-ai-4227857.html


Tin khác

Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Giám đốc...