Ứng dụng KHCN vào sản xuất, chè Việt tự tin chinh phục thị trường thế giới

Đăng vào 08/09/2020

Bằng việc áp dụng hệ thống giám sát điều khiển tự động trong quá trình lên men chè thông qua dự án SXTN “Hoàn thiện quy trình công nghệ kiểm soát hoạt tính sinh học của hệ enzyme trong quá trình lên men chè đen và thử nghiệm ứng dụng kiểm soát tự động quá trình lên men trên quy mô sản xuất bán công nghiệp” phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, Công ty CP Chè Sông Lô (Tuyên Quang) đã giảm được 70% nhân công, 30% điện năng, đặc biệt độ đồng đều của chè đạt tới gần 95% thay vì chỉ 60% so với khi sử dụng công nghệ cũ.

Dự án thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương chủ trì. Ngày 21 tháng 7 vừa qua, dự án đã được Bộ Công Thương tổ chức nghiệm thu.

Quang cảnh buổi nghiệm thu

Chất lượng chè còn thấp

Chè là loại đồ uống bổ dưỡng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam hiện nay, chè được trồng ở 34 tỉnh thành trên cả nước với diện tích khoảng 133.300 ha. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Kenya và Sri Lanka. Trong đó, sản phẩm chè đen xuất khẩu chiếm khoảng 60% sản lượng của toàn ngành chè Việt Nam.

Mặc dù vậy, thị phần chè của Việt Nam tại các nước nhập khẩu chỉ mới chiếm tỷ lệ thấp so với các đối thủ cạnh tranh. Tại Pakistan, Việt Nam mới chỉ chiếm 17,8% thị phần, trong khi Kenya chiếm đến 65% thị phần. Nguyên nhân chủ yếu là do sản phẩm chè của Việt Nam còn chưa cạnh tranh được về chủng loại, chất lượng, mẫu mã. Trên thực tế, người làm chè ở nước ta vẫn còn nghèo cũng vì chất lượng chè của chúng ta còn thấp.

Bên cạnh các nhà máy chế biến có công nghệ hiện đại, còn nhiều nhà máy vẫn sản xuất chè đen theo phương pháp thủ công, năng suất không cao trong khi chất lượng lại không ổn định. Xuất phát từ thực trạng đó, ThS. Phạm Thanh Bình cùng các cộng sự tại Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, với sự phối hợp của Công ty CP Chè Sông Lô đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công công nghệ kiểm soát hoạt tính sinh học của hệ enzyme trong quá trình lên men chè đen, giúp giải quyết bài toán về nâng cao chất lượng của sản phẩm chè đen, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hoá công nghệ sản xuất chè đen OTD.

Tiên phong ứng dụng công nghệ lên men liên tục

Từ chè nguyên liệu, trải qua nhiều công đoạn như làm héo chè, vò chè, lên men chè, sấy khô, sàng và đóng gói để cho ra chè thành phẩm. Trong đó, quá trình lên men đóng vai trò quan trọng nhất quyết định đến chất lượng chè đen thành phẩm.

Hiện nay, ở các nhà máy sản xuất chè đen OTD của Việt Nam, lên men được thực hiện gián đoạn nên năng suất thấp, cường độ lao động cao, đặc biệt là chất lượng sản phẩm thấp và không ổn định.

Do đó, ThS. Phạm Thanh Bình cùng các cộng sự đã lựa chọn phương pháp lên men liên tục kiểu băng tải xích. Kiểu băng tải làm việc liên tục này đã được áp dụng tại các máy lên men của Ấn Độ cho chè CTC hoặc máy lên men của Nga cho chè OTD.

ThS. Phạm Thanh Bình - Chủ nhiệm dự án giới thiệu cho các chuyên gia về tủ điều khiển giám sát quá trình lên men trong buổi kiểm tra, thẩm định nhiệm vụ KHCN do Bộ Công Thương tổ chức ngày 04/06/2020

Ưu điểm cơ bản của phương pháp lên men liên tục kiểu băng tải là máy hoàn toàn có khả năng cơ giới hóa và tự động hóa quá trình công nghệ, quá trình vận hành máy không phức tạp, chất lượng chè lên men rất tốt và ổn định, các thông số kỹ thuật dễ dàng được đo lường và kiểm soát, có thể hiển thị nhờ kỹ thuật số và nối mạng đến các thiết bị điều khiển trung tâm khi nhà máy có điều kiện tin học hóa để kiểm soát và điều hành toàn bộ quy trình sản xuất.

Từ đó, nhóm nghiên cứu thiết kế chế tạo mô hình hệ thống thiết bị lên men tích hợp hệ thống tự động điều khiển giám sát quá trình lên men chè đen OTD. Nguyên liệu sau khi vò được đưa vào hệ thống tự động lên men. Trong quá trình lên men, lá chè nguyên liệu được kiểm soát các thông số công nghệ về nhiệt độ (25-28 độ C), độ ẩm không khí (95-98%), thời gian lên men phụ thuộc vào mùa vụ, thời tiết (90 – 120 phút). Toàn bộ dây chuyền lên men được tự động hóa và có các thiết bị đo các chỉ số môi trường để enzyme hoạt động tốt nhất cho quá trình lên men được diễn ra liên tục.

“Hiện nay trên thị trường Việt Nam, chỉ có thiết bị lên men sản xuất tại Ấn Độ và nhập khẩu đồng bộ với dây chuyền sản xuất chè đen CTC, chưa có bất kỳ loại máy lên men nào tích hợp hệ thống điều khiển giám sát điều khiển tự động dùng cho chè đen OTD”, ThS. Phạm Thanh Bình cho biết.

Chất lượng tăng, chè Việt tự tin ra “biển lớn”

ThS. Phạm Thanh Bình cho biết, hệ thống thiết bị lên men tích hợp hệ thống tự động điều khiển giám sát quá trình lên men chè đen OTD của nhóm nghiên cứu được ứng dụng tại Công ty CP Chè Sông Lô (Xã Kim Phú, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang). Sau hơn 1 năm ứng dụng hệ thống đã mang lại nhiều thay đổi tích cực cho sản xuất của công ty.
Ông Ngô Đức Tú, - Tổng Giám đốc Công ty CP Chè Sông Lô cho biết: “Đầu năm 2019, chúng tôi bắt đầu phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc triển khai thực hiện dự án được Bộ Công Thương giao. Thông qua thực hiện dự án, chúng tôi đã cắt giảm được 70% nhân công lao động, điện năng tiêu thụ cũng giảm 30%. Đặc biệt, chất lượng sản phẩm chè đen được nâng lên đáng kể. Trước đây, sản phẩm chè đen của chúng tôi sản xuất ra chỉ đạt được độ đồng đều khoảng 60%. Nhưng nhờ hệ thống thiết bị lên men tích hợp điều khiển giám sát tự động quá trình lên men đã giúp kiểm soát được chất lượng chè đen đạt tới 95%”.

Sản phẩm chè đen của Công ty CP Chè Sông Lô ngày càng được người tiêu dùng trong nước và quốc tế đón nhận

Cũng theo ông Tú, nhờ chất lượng chè được nâng cao rõ rệt, Công ty CP Chè Sông Lô đã nhận được nhiều đơn hàng mới, tỷ trọng sản xuất chè đen của công ty tăng từ 40% lên 80% và sản lượng xuất khẩu năm 2019 đã tăng lên tới 300% so với năm trước.

“Thời gian vừa qua, trong khi hầu hết các ngành kinh tế bị trì trệ, ảnh hưởng, sụt giảm doanh thu vì dịch Covid-19 lan rộng khắp toàn cầu thì Công ty CP Chè Sông Lô chúng tôi vẫn hoạt động sản xuất bình thường. Chỉ trong hơn 1 tháng, chúng tôi đã xuất khẩu gần 1.000 tấn chè sang nước ngoài, đảm bảo được đời sống cho toàn bộ nhân công trong công ty. Thậm chí, do chất lượng chè tăng lên rõ rệt, nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên nên có những thời điểm chúng tôi còn không sản xuất kịp cho các đơn hàng”, ông Ngô Đức Tú – Tổng Giám đốc Công ty CP Chè Sông Lô chia sẻ.

Có thể nói, áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến trong quá trình sản xuất là hướng đi đúng đắn cho các doanh nghiệp sản xuất chè Việt Nam để từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng không chỉ trong nước mà còn quốc tế, từng bước khẳng định vị trí của thương hiệu chè đen Việt Nam trên thị trường thế giới.

Liên kết nguồn tin: https://www.moit.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/ung-dung-khcn-vao-san-xuat-che-viet-tu-tin-chinh-phuc-thi-truong-the-gioi-20386-3101.html


Tin khác

Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Giám đốc...