Khảo sát, hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến kỹ thuật tại một số tỉnh miền núi phía Bắc

Đăng vào 23/12/2019
Trong khuôn khổ thực hiện nhiệm vụ Trình diễn kết nối Cung - Cầu và xúc tiến thương mại hóa công nghệ,Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ đã tổ chức khảo sát một số doanh nghiệp tại các tỉnh miền núi phía Bắc nhằm xác định và hỗ trợ nhu cầu cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ.
 

 

Đoàn làm việc tại Công ty TNHH sinh vật cảnh Hoàng Linh (Bắc Giang).
 

 Đoàn làm việc tại công ty cổ phần nông sản Bắc Kạn.
 

Với sự phối hợp của các Sở KH&CN và tổ chức tại địa phương, đoàn công tác đã trực tiếp trao đổi, nắm bắt nhiều thông tin liên quan tới các vấn đề doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trình sản xuất, kinh doanh, trong đó tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp

Tại yên Bái được biết cây Quế đã được trồng nhiều năm trở lại đây, là cây trồng chủ lực ở địa phương. Với diện tích gần 30.000ha, quế là cây trồng truyền thống của các đồng bào dân tộc Yên Bái. So với nhiều cây trồng khác, cây Quế đã mang lại cho người dân một nguồn thu lớn và ổn định. Hiện tại, quế được khai thác vỏ để bán cho các cơ sở chế biến, cành và lá được các cơ sở sản xuất tinh dầu ở địa phương thu mua về chế biến, thân được bán cho các sơ sở chế biến gỗ.
 

 Đoàn làm việc tại Doanh nghiệp Đông Yến (Yên Bái).
 

Qua khảo sát một số doanh nghiệp tại địa phương, được biết tinh dầu quế của các sơ sở sản xuất trong tỉnh chủ yếu được xuất đi thị trường Trung Quốc. Những năm trước giá tinh dầu ở mức 650.000 - 700.000 đ/kg, tuy nhiên từ cuối năm 2018 đến nay thị trường Trung Quốc thu mua “nhỏ giọt”, giá thành giảm sâu xuống còn khoảng trên 500.000 đ/kg nên gây khó khăn cho các doanh nhiệp và người dân địa phương. Ngoài ra, việc tận dụng phụ phẩm sau chế biến tinh dầu (từ lá, cành) chưa mang lại nhiều giá trị. Bởi vậy, các doanh nghiệp sản xuất tinh dầu quế ở địa phương có nhu cầu lớn trong việc đổi mới công nghệ, thiết bị để nâng cao chất lượng tinh dầu quế đáp ứng xuất khẩu sang các thị trường phát triển như: Mỹ, Châu Âu, Nhật, … Ngoài ra, nhu cầu tìm kiếm các công nghệ phù hợp để nâng cao giá trị của cá phụ phẩm trong chế biến tinh dầu như: Lá, Cành sau sản xuất. Mong muốn đoàn công tác kết nối với các nhà khoa học để giải quyết các vấn đề nêu trên.

Tại Lào Cai, đoàn công tác đã đi khảo sát một số doanh nghiệp chế biến nông sản, xử lý rác thải ở địa phương. Qua khảo sát được biết các doanh nghiệp chế biến nông sản ở địa phương như: sắn lát, tinh dầu quế, … đều đang gặp một số khó khăn do sử dụng công nghệ cũ dẫn đến chi phí sản xuất lớn, chất lượng sản phẩm không cao trong khi khách hàng yêu cầu ngày một khắt khe về chất lượng, giá thành sản phẩm hiện tại thấp, lợi nhuận mang lại không cao, đôi khi còn “lỗ”. Bởi vậy, một số doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ - thiết bị chế biến nhằm nâng cao chất lượng một số sản phẩm. Ngoài ra, vài năm trở lại đây tại Lào Cai rác thải đã được xử lý khá hiệu quả, công nghệ xử lý đã tạo ra các sản phẩm tái chế mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để giải quyết đồng bộ hơn, doanh nghiệp xử lý rác thải ở đây đang có nhu cầu bổ sung thêm một số hệ thống thiết bị như: Hệ thống sản xuất phân hữu cơ từ mùn compost; thiết bị lò đốt rác thải đáp ứng được các chỉ tiêu phát thải hiện hành.

Cũng trong đợt khảo sát này đoàn đã tham quan các cơ sở trồng và chế biến nông, lâm sản và dược liệu tại Thái Nguyên, Bắc Kạn, các cơ sở cũng đưa ra một số khó khăn trong quát trình canh tác, phòng trừ bệnh hại, xử lý sau thu hoạch, kết nối thương mại hoá,…Các thông tin thu được trong quá trình khảo sát là cơ sở để Cục tiếp tục triển khai rà soát, tìm kiếm các công nghệ/chuyên gia phù hợp để kết nối thử nghiệm và chuyển giao công nghệ trong thời gian tới.

Liên kết nguồn tin: https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/17286/khao-sat--ho-tro-doanh-nghiep-cai-tien-ky-thuat-tai-mot-so-tinh-mien-nui-phia-bac.aspx