Tối ưu hóa quy trình sản xuất cho doanh nghiệp logistics nhờ ứng dụng công nghệ

Đăng vào 13/03/2023

Trong cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng tự động hóa, trí tuệ nhân tạo vào sản xuất, kinh doanh là một xu hướng tất yếu nhằm tạo ra năng suất lao động cao. Đối với lĩnh vực logistics, các hệ thống phân loại tự động hóa ứng dụng công nghệ 4.0 đang được ứng dụng ngày càng nhiều hơn trong các doanh nghiệp. 

Hệ thống phân loại tự động là một giải pháp thay thế con người để thực hiện các công đoạn phân loại sản phẩm, từ thực hiện thủ công bằng tay chuyển đổi sang sử dụng các hệ thống tự động hóa để phân chia các sản phẩm theo người sử dụng quy định.

Thiết bị nhận dạng để phân biệt các sản phẩm khác nhau là thành phần quan trọng trong các hệ thống phân loại tự động. Tùy theo loại sản phẩm trong các hệ thống khác nhau, thiết bị nhận dạng có thể sử dụng là cảm biến (cảm biến phân loại theo màu sắc, cảm biến phân loại theo hình dạng, cảm biến phân loại theo vật liệu), máy ảnh (camera)…

Với tự động hóa, doanh nghiệp có thể tiếp cận khách hàng, tăng lượt đăng ký trực tuyến và tiết kiệm chi phí lao động. Đây cũng là giải pháp để theo dõi lô hàng trong cả hành trình. Từ đó, các công ty có thể biết tình trạng hàng hóa trong thời gian thực từ lúc xuất kho tới khi đến khách hàng.

Gần đây, có một số nền tảng công nghệ cho phép các doanh nghiệp mang đến trải nghiệm tốt hơn cho người tiêu dùng. Điển hình như Microsoft Azure, Oracle, Transporeon và Ramco là một số giải pháp đám mây giúp tăng ứng dụng công nghệ vào doanh nghiệp logistics. 

Những nền tảng này cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau cho doanh nghiệp giao nhận vận tải bao gồm: quản lý vận tải, quản lý trung tâm, hợp đồng và lập hóa đơn. Đầu tư vào công nghệ giúp doanh nghiệp đơn giản hóa quy trình kinh doanh và tiết kiệm chi phí lao động khi công nghệ có thể thay thế con người trong quy trình sản xuất.

Theo Tiến sỹ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương), hiện ngành logistics đang phát triển, vận hành trơn tru và thuận lợi vượt bậc nhờ vào cách mạng công nghiệp 4.0. Các doanh nghiệp có thể rút ngắn thời gian thực hiện đơn hàng nhờ ứng dụng các công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, điện toán đám mây…Những lợi ích thiết thực và ưu điểm của việc ứng dụng hệ thống phân loại sản phẩm tự động gồm: Thứ nhất, tự động hóa dây chuyền sản xuất: Hệ thống phân loại tự động thay thế hoàn toàn sức lao động của con người. Vận hành chính xác với cường độ hoạt động cao và liên tục.Thứ hai, vận hành và kiểm soát: Hiển thị số lượng sản phẩm phân loại theo thời gian thực. Giao diện vận hành, cài đặt đơn giản nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin. Thứ ba, mở rộng linh hoạt: Hệ thống kết nối đồng bộ, có khả năng mở rộng để kết nối với hệ thống và phần mềm quản lý kho, phục vụ các công việc quản lý, giám sát.

Hệ thống phân loại sản phẩm tự động tại Công ty Cổ phần Tiếp vận Thế kỷ

Nắm bắt nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) đã chủ động đầu tư về nhân lực, tài chính, hợp tác với các đơn vị để từng bước làm chủ công tác tính toán, thiết kế, tích hợp các hệ thống tự động ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, với sự hỗ trợ và tin tưởng giao nhiệm vụ từ Công ty Cổ phần Tiếp vận Thế kỷ thuộc Công ty Cổ phần Logistics Hàng không (ALS), NARIME đã có cơ hội nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào dây chuyển sản xuất. Hệ thống đã chính thức được đưa vào vận hành tại doanh nghiệp từ tháng 1/2023.

Hệ thống sử dụng thiết bị phân loại là máy ảnh (camera) tích hợp trí tuệ nhân tạo có khả năng chụp và phân loại sản phẩm chính xác, đặc biệt đối với các sản phẩm di chuyển trên băng tải với tốc độ cao, đáp ứng yêu cầu năng suất. Đến nay, hệ thống luôn vận hành ổn định, tin cậy, hoàn toàn đáp ứng yêu cầu sản xuất, được chủ đầu tư đánh giá cao.

Nhiệm vụ chính của hệ thống phân loại sản phẩm tự động là thực hiện phân loại các khay nhựa từ đầu vào băng tải ra từng cửa được quy định trước.

Các khay nhựa sẽ được đưa lên băng tải đầu vào, sau đó di chuyển tới buồng chụp để máy ảnh thực hiện chụp ảnh, nhận diện và chuyển dữ liệu về hệ thống điều khiển. Trong quá trình chụp, khay nhựa vẫn tiếp tục di chuyển và không cần dừng lại. Dựa trên thông tin mà máy ảnh gửi về, hệ thống điều khiển sẽ xử lý và gửi tín hiệu điều khiển đến các cụm thổi khí để đưa sản phẩm về đúng đầu ra theo yêu cầu.

Các băng tải trong hệ thống được cài đặt với tốc độ tăng dần theo thứ tự từ băng tải đầu vào, băng tải tại buồng chụp và băng tải phân loại với mục đích giữ khoảng cách phù hợp giữa các khay nhựa và tối ưu năng suất của hệ thống. Việc lựa chọn đầu ra cho từng loại khay cũng có thể thực hiện thay đổi một cách linh hoạt trên màn hình điều khiển của hệ thống.

Việc NARIME thiết kế, chế tạo, đưa vào vận hành thành công hệ thống phân loại sản phẩm tự động tại Công ty Cổ phần Tiếp vận Thế kỷ không chỉ góp phần đưa công nghệ tiên tiến, hiện tại vào việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, tăng năng suất và góp phần giảm chi phí hoạt động, mà còn là cơ sở để tiếp tục triển khai thiết kế, chế tạo và lắp đặt các hệ thống tự động hóa trong các nhà máy sản xuất thông minh khác tại Việt Nam.

Liên kết nguồn tin: https://moit.gov.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe/toi-uu-hoa-quy-trinh-san-xuat-cho-doanh-nghiep-logistics-nho-ung-dung-cong-nghe.html