Lần đầu tiên Việt Nam có công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp cho ốc hương

Đăng vào 16/10/2020

Thông qua việc thực hiện đề tài “Sản xuất thức ăn công nghiệp cho ốc hương từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam”, nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã thiết lập được công thức, làm chủ quy trình công nghệ sản xuất thức ăn cho ốc hương. Được biết, trên thế giới hiện chưa có quốc gia nào sản xuất được thức ăn cho ốc hương để giúp nghề nuôi ốc hương phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại.

Tận dụng nguyên liệu sẵn có ở địa phương

Ốc hương là đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Tại Việt Nam, tiềm năng phát triển nghề nuôi ốc hương là rất lớn do nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu cao, thậm chí cung không đủ cầu. Đến nay, nghề nuôi ốc hương đã phát triển rộng ra nhiều tỉnh trong cả nước như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang,…

Nghề nuôi ốc hương mang lại hiệu quả kinh tế cao, là một trong những đối tượng xuất khẩu thủy sản chiếm vị trí quan trọng trong việc giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ven biển.

Ở một số tỉnh miền Trung, nghề nuôi ốc hương phát triển mạnh, chiếm tỷ lệ lớn nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, nghề nuôi ốc hương hiện nay ở nước ta còn rất lạc hậu theo kiểu quảng canh truyền thống, sử dụng thức ăn tươi đánh bắt từ tự nhiên như tôm cá, nhuyễn thể nên thường gây ô nhiễm môi trường, khó kiểm soát được dịch bệnh dẫn đến năng suất và hiệu quả thấp.

Thực tế ở Việt Nam hiện nay, nghiên cứu công nghệ sản xuất thức ăn cho ốc hương đang còn sơ khai, chỉ giới hạn ở nghiên cứu thử nghiệm, chưa có sản phẩm thức ăn công nghiệp cung cấp cho nuôi ốc hương thương mại. Bên cạnh đó, trên thế giới cũng chưa sản xuất được thức ăn công nghiệp nuôi ốc hương.

Xuất phát từ thực trạng này, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đã thực hiện đề tài “Sản xuất thức ăn công nghiệp cho ốc hương từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam”. Đề tài do ThS. Trần Thị Thu Hiền làm chủ nhiệm với mục tiêu xây dựng quy trình công nghệ, mô hình thiết bị và sản xuất được thức ăn nuôi ốc hương từ enzyme và một số loại nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam để nâng cao hiệu quả kinh tế nuôi ốc hương và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Đề tài thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương chủ trì. Ngày 13 tháng 10, Bộ Công Thương đã tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ KHCN kể trên.

Quang cảnh buổi nghiệm thu

Thành công nhờ ứng dụng công nghệ enzyme

Ngày nay, việc ứng dụng công nghệ sinh học để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm, chất lượng môi trường trong nuôi trồng thủy sản là hướng đi chủ đạo, mang tính khoa học và có ý nghĩa rất lớn đến việc phát triển bền vững. Công nghệ enzyme được xem là phương án thích hợp, tham gia vào việc giải quyết, nâng cao hiệu quả thức ăn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ các hoạt động nuôi trồng thủy sản.

ThS. Trần Thị Thu Hiền – Chủ nhiệm đề tài cho biết, nhóm nghiên cứu sản xuất thức ăn tổng hợp cho ốc hương dựa trên sự phối trộn các thành phần như bột cá, bột ruốc và một số nguyên liệu có nguồn gốc từ thực vật như bột bắp, bột cám gạo,…góp phần giảm giá thành, giảm sự phụ thuộc nguồn thức ăn tự nhiên, chủ động nguồn thức ăn, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.

ThS. Trần Thị Thu Hiền – Chủ nhiệm đề tài

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã ứng dụng công nghệ enzyme để bổ sung vào thức ăn sẽ giúp cho việc tiêu hóa của ốc được cải thiện, hấp thụ được tối đa dinh dưỡng và có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, tăng cường đề kháng.

ThS. Trần Thị Thu Hiền cho biết, sản phẩm thức ăn tổng hợp do đề tài sản xuất đã được sử dụng để nuôi thử nghiệm ốc hương tại Công ty CP Khoa học công nghệ thủy sản Khánh Hòa.

Bể nuôi ốc hương

Xay nghiền và phối trộn thức ăn tổng hợp cho ốc hương.

Theo ông Nguyễn Hưng Điền – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khoa học công nghệ thủy sản Khánh Hòa, trước đây, đơn vị này sử dụng cá tươi để nuôi ốc hương. Do tập tính ăn của con ốc hương là chỉ hút thịt của con cá tươi, còn lại toàn bộ xương và da của cá thì chìm xuống dưới đáy. Chính lượng thức ăn dư thừa này làm cho môi trường bị ô nhiễm, có thể làm dịch bệnh phát triển, hạn chế năng suất nuôi.

“Ốc hương là loài động vật ăn thức ăn tươi sống, và ăn dưới dạng hút nên việc sản xuất được một loại thức ăn phù hợp với tập tính ăn của ốc hương là rất cần thiết”, ông Nguyễn Hưng Điền – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khoa học công nghệ thủy sản Khánh Hòa nhấn mạnh.

Kết quả nghiên cứu của đề tài là sản phẩm thức ăn tổng hợp cho ốc hương giống và ốc hương thương phẩm đạt các yêu cầu chỉ tiêu về hàm lượng chất dinh dưỡng như protein, lipid, chất xơ,…Ốc hương được nuôi bằng sản phẩm thức ăn do đề tài sản xuất có kích thước đồng đều, khỏe mạnh, không có dấu hiệu bệnh lý. Điều đáng ghi nhận là sản phẩm thức ăn cho ốc hương của đề tài được sản xuất từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp, vốn là nguyên liệu rất sẵn có ở Việt Nam.

Sản phẩm thức ăn tổng hợp cho ốc hương giống và ốc hương thương phẩm của đề tài.

“Nếu như tất cả các cơ sở nuôi ốc hương khác cũng được ứng dụng kết quả của đề tài “Sản xuất thức ăn công nghiệp cho ốc hương từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam” thì việc tạo ra được ốc hương sạch, tạo ra được khu vực nuôi trồng ốc hương cũng sạch sẽ thì rất tốt. Chúng tôi đánh giá rằng, đây là đề tài kết hợp được việc nghiên cứu của nhà khoa học với những doanh nghiệp sản xuất, tạo ra mối liên kết khăng khít giữa 2 nhà”, TS. Nguyễn Mạnh Dũng – Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Công nghệ Lương thực Thực phẩm Việt Nam chia sẻ.

Liên kết nguồn tin: https://www.moit.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/lan-%C4%91au-tien-viet-nam-co-cong-nghe-san-xuat-thuc-an-cong-nghiep-cho-oc-huong-20643-3101.html